Vào một buổi chiều giữa tháng 03/2020, tôi có lịch hẹn với một bạn, để tư vấn cho bạn ấy cách lập kế hoạch chiến lược phát triển thị trường mảng sức khỏe trong thời gian tới.
Bạn than vãn rằng, tại sao em không thể nghĩ ra bất kỳ ý tưởng gì cho bản kế hoạch mặc dù em rất muốn, không phải là em không có năng lực kinh doanh, nhưng em không hiểu sao em không thể làm được việc gì. Đã nhiều lần em cứ lập kế hoạch rồi không thực hiện được. Giờ em phải làm sao?
Với kinh nghiệm của mình, tôi đã gạt sang một bên câu chuyện lập kế hoạch. Tôi dùng kỹ thuật Coaching để đặt những câu hỏi liên quan đến tiềm thức của bạn ấy. Chỉ một vài câu hỏi thôi, nhưng bạn ấy đã tuôn ra xối xả những nỗi đau của mình. Bạn ấy vừa lau những giọt nước mắt lăn trên má vừa vội vã nói.
Em gặp vấn đề gia đình, về ba em … , rồi đứa em của em… lại còn chị hai em.. rồi……Em không có chút năng lượng nào để làm việc, đầu em nó như muốn nổ tung. Em muốn làm nhiều thứ lắm nhưng em lại cảm thấy quá tải. Mấy hôm nay, sáng em không muốn thức dậy mà chỉ muốn mình ngủ, rồi ngủ luôn. Rồi sao em gặp quá nhiều khách hàng, đối tác cũng tiêu cực như em, cũng có những vấn đề như em.
Lúc đó, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt đã đỏ hoe và chỉ nói bạn ấy một câu. Chính cái tiềm thức của em nó níu kéo em lại chứ không phải cái bản kế hoạch kinh doanh kia. Nên thay vì tìm cách để lập một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo. Em hãy tìm cách chữa lành tiềm thức của mình trước.
Vậy tiềm thức là gì?
Phần nhận thức của não được chia thành 2 phần: ý thức và tiềm thức. Ý thức là những cái bạn cảm nhận được, ý thức được, sờ chạm được như: chua, cay, nóng, lạnh…. ý thức chỉ chiếm 10% trong nhận thức của não bộ. 90% phần nhận thức của não bộ là tiềm thức là cái đối nghịch với ý thức, cái mà bạn không nhìn thấy, không cảm nhận được và đặc biệt tiềm thức hoạt động ngay khi bạn đi ngủ. Chẳng hạn khi bạn ngủ say, con muỗi đến chích bạn và bạn giơ tay lên đập nó. Hành động giơ tay lên đập con muỗi là do tiềm thức điều khiển. Vì bạn đã ngủ say thì làm sao ý thức cảm nhận được ngứa. Ý thức giống như phần nổi, tiềm thức giống như phần chìm của tảng băng.
Tiềm thức có liên quan gì đến khởi nghiệp kinh doanh?
Liệu tiềm thức tôi đầy những nỗi đau nhưng tôi có một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo thì tôi có khởi nghiệp thành công không?
Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì câu trả lời là không. Cách đây hơn 1 năm, cứ mỗi lần tôi đến chương trình ACC-Action Coaching Camp(Trại Huấn luyện Hành động) để lên kế hoạch kinh doanh cho quý, thì người tôi tự nhiên phát bệnh. Cuối tuần khi đi gặp khách hàng, đối tác thì tôi ủ rũ, không muốn đi. Cũng ngày đó, mà hễ cứ ở nhà, không đi gặp khách hàng, không đi gặp đối tác, không đi đến ACC là người tôi khỏe. Tôi cảm nhận giống như cơ thể tôi nó lập trình tự động là mỗi khi đi ACC hoặc khi đi gặp khách hàng, đối tác kinh doanh là nó phát tín hiệu làm cho tôi bệnh, và cái chu kỳ này nó tự động lặp đi lặp lại.
Chỉ đến khi thầy của tôi sử dụng qui trình Healing Coaching(một qui trình chữa lành tiềm thức bằng NLP) giúp tôi chữa lành tiềm thức, thì mọi thứ mới ổn. Và kể từ đó đến giờ tôi không còn hiện tượng bệnh và mệt mỏi khi đến ACC hay khi đi gặp khách hàng, đối tác. Mà thay vào đó là một cảm giác hưng phấn và tràn đầy sức sống. Và tôi mới biết rằng, bởi vì hồi còn nhỏ, tôi nhìn thấy ba mẹ cãi vã vì tiền bạc, nên trong đầu tôi nghĩ tiền là xấu. Và một lần nữa lớn lên tôi gặp trục trặc về chuyện tình cảm và tôi lại qui trách nhiệm, chính tiền bạc đã làm tan vỡ hôn nhân của tôi. Và kể từ đó, tiềm thức tôi nó hiểu rằng việc kiếm tiền gắn liền với đổ vỡ gia đình, mất mát hạnh phúc và sự bất hạnh, những nỗi đau. Mặc dù ngoài miệng tôi nói là rất thích kiếm tiền nhưng tận sâu trong tiềm thức tôi thì khác. Cho nên tiềm thức tôi tìm mọi cách để bảo vệ tôi khỏi những đau khổ về tiền bạc, bằng cách nó phát tín hiệu đến các bộ phận trong cơ thể và làm tôi bệnh mỗi khi tôi đi lập kế hoạch kinh doanh hay đi gặp khách hàng, đối tác. Vì những việc này sẽ giúp tôi kiếm tiền mà tiềm thức tôi ghi nhận tiền gắn liền với đau khổ nên bằng mọi giá nó ngăn tôi có được tiền.
Xứ ta có câu” ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, ”nồi nào úp vung nấy” nghĩa là bạn như thế nào thì bạn có xu hướng tìm người giống mình để chơi. Xứ tây thì Jihm Rohn nói” Bạn hút người giống bạn, chứ không phải người bạn muốn”. Còn nếu giải thích theo NLP(Neuro Linguistic Programming)- Lập trình ngôn ngữ nơ ron thần kinh, tiềm thức bạn sẽ phát ra nguồn năng lượng và những người cạnh bạn sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng ấy. Nó giống như khi bạn đứng gần một vị thiền sư đắc đạo, một vị linh mục bạn sẽ cảm thấy rất bình an. Ngược lại khi bạn đứng gần một kẻ cướp, một kẻ có ác tâm bạn sẽ cảm thấy bất an, lo lắng.
Nó giống như khi đống lửa cháy thì nó phát ra xung quanh sức nóng, những ai cần hơi nóng thì sẽ tụ lại quanh đống lửa, còn những ai thích mát mẻ thì họ sẽ tránh xa đống lửa ấy.
Vậy thì nếu bạn là một đống lửa, lúc nào cũng nóng nẫy, cáu giận, oán hận và ghen ghét thì liệu bạn có tìm được những người mát mẻ, hiền hòa và yêu thương. Chắc chắn là không vì luật tự nhiên như tôi vừa phân tích ở trên không cho phép bạn làm điều đó. Và có thể khách hàng bạn nhắm đến là những người hiền lành, biết điều, cảm thông, vui vẻ. Hoặc bạn muốn tìm những đối tác tử tế, biết lắng nghe, tốt bụng để đồng hành cùng bạn nhưng không bao giờ bạn tìm được họ. Vì tần số của bạn và họ khác nhau một trời một vực. Cho nên nếu muốn thành công trong khởi nghiệp, muốn tìm được những khách hàng tốt, những đối tác tốt cùng kinh doanh thì trước hết bạn cần phải tốt từ bên trong hay nói cách khác tiềm thức của bạn phải thật sạch sẽ, chứ không phải tốt ở lời nói, tốt ở đôi môi.
Anthony Lê Hữu Thảo